Tăng sắc tố là một hiện tượng không hiếm gặp, nhất là ở những người lớn tuổi. Mặc dù không gây đau đớn nhưng tăng sắc tố ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp của làn da. Vậy tăng sắc tố là gì? Vì sao lại xuất hiện trên da? Làm sao để phòng ngừa và điều trị tăng sắc tố? Đọc ngay bài viết sau của Dr. Baumann để hiểu rõ hơn về những vấn đề này nhé!
1. Tăng sắc tố là gì?
Tăng sắc tố là tình trạng xuất hiện các mảng hoặc các đốm sậm màu với hình dạng và kích thước khác nhau trên da. Theo nghiên cứu, đây là một chứng rối loạn sắc tố do các tế bào hắc tố hoạt động quá mức, dẫn đến sự gia tăng hàm lượng melanin tích tụ ở tầng thượng bì hoặc hạ bì. Dựa vào nguyên nhân gây tăng sắc tố, các triệu chứng được phân thành:
- Nám: Được quan sát thấy ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là mặt. Nám có thể do cơ chế tự nhiên của cơ thể nhằm bảo vệ da khỏi tác động của tia cực tím hoặc do sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai, tiền mãn kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai.
- Tàn nhang: Là các chấm nhỏ hình thành chủ yếu do yếu tố di truyền, có thể trở nên đậm màu nếu tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
- Đồi mồi: Dấu hiệu của lão hóa da do phơi nhiễm tia cực tím trong thời gian dài, xuất hiện dưới dạng các đốm thâm màu xám, nâu hoặc đen và có khả năng phát triển thành ung thư da.
- Tăng sắc tố sau viêm: Tình trạng tăng sắc tố sau chấn thương hoặc viêm da do mụn trứng cá, chàm, vết bỏng, sử dụng thủ thuật thẩm mỹ,... Các vết tăng sắc tố sau viêm có thể tác động đến dưới lớp thượng bì.
Tăng sắc tố làm xuất hiện các đốm sậm màu trên da
2. Nguyên nhân gây tăng sắc tố
Màu da của mỗi người phụ thuộc vào sắc tố melanin được sản xuất bởi tế bào hắc tố. Khi bị tổn thương, các tế bào này sẽ sản xuất một lượng melanin lớn hơn bình thường. Sự tích tụ melanin trong một khu vực cụ thể có thể làm cho khu vực đó trở nên tối màu hơn. Nghiên cứu cho thấy hiện tượng này có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
- Phơi nắng
Tăng sắc tố chủ yếu là kết quả của việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Ánh nắng mặt trời kích thích làn da sản xuất melanin để làm giảm các tổn thương. Nếu cơ chế này liên tục hoạt động thì việc hình thành các đốm tăng sắc tố là điều không thể tránh khỏi.
- Viêm da
Bất kỳ tổn thương nào ở tầng thượng bì và hạ bì đều có thể dẫn đến tình trạng tăng sắc tố. Quá trình viêm làm tăng sinh sắc tố melanin và phân tán chúng ra các khu vực xung, nhiều nhất ở lợp hóa sừng. Việc này khiến cho các vùng da bị viêm trở nên sẫm màu, đặc biệt là khi phơi nắng trong thời gian dài.
- Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi estrogen và progesterone trong cơ thể có thể dẫn đến gia tăng sắc tố ở cả nữ giới và nam giới. Tình trạng mất cân bằng nội tiết thường xuất hiện trong giai đoạn mang thai, tiền mãn kinh, sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hoóc môn. Ngoài ra, các bệnh lý về tuyến giáp cũng có khả năng gây nám ở một số đối tượng.
Ánh nắng mặt trời là tác nhân chính gây tăng sắc tố
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc tăng sắc tố. Chẳng hạn như:
- Mắc các bệnh như hemochromatosis hoặc hemosiderosis gây tích tụ quá nhiều chất sắt trong cơ thể.
- Sử dụng một số loại thuốc gây ra tăng sắc tố da cục bộ như kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc chống viêm NSAIDs,...
- Người sở hữu làn da sẫm màu hoặc có họ hàng từng bị tăng sắc tố.
- Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng chứa các chất gây bào mòn, tẩy lột da nghiêm trọng như thuốc rượu, kem trộn,...
- Chăm sóc da không đúng cách sau khi thực hiện các liệu trình thẩm mỹ như bắn laser, thay da sinh học,...
Tăng sắc tố có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc
3. Cách phòng ngừa tăng sắc tố
Phòng ngừa tăng sắc tố là việc vô cùng cần thiết nếu bạn muốn duy trì làn da khỏe mạnh cũng như ngăn chặn các chứng rối loạn sắc tố. Không những thế, điều này còn giúp bạn tránh được những rủi ro sức khỏe và tiết kiệm chi phí điều trị trong tương lai.
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên
Thoa kem chống phải được thực hiện như một thói quen hàng ngày để ngăn chặn sự phát triển của các đốm đen và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về da. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên chọn kem chống nắng có quang phổ rộng giúp chặn cả tia UVA và UVB. Ngoài ra, hãy sử dụng những sản phẩm có chỉ số chống nắng từ 30 - 50 để đạt được sự bảo vệ da tối đa nhất.
- Đội mũ hoặc mặc quần áo cản ánh sáng mặt trời
Sử dụng quần áo có chỉ số chống tia cực tím (UPF) cao góp phần ngăn chặn tác động của ánh nắng lên làn da. Bạn có thể chọn quần áo được phủ chất hấp thụ tia cực tím hoặc chất chống nắng hóa học để cung cấp thêm khả năng chống nắng. Tuy nhiên, bạn lưu ý các loại trang phục này có thể mất tác dụng chống nắng theo thời gian. Do đó, quần áo được làm từ các chất liệu chống nắng là sự lựa chọn tốt nhất
- Tránh nắng vào ban ngày
Khi tình trạng bức xạ mặt trời ngày càng tăng như hiện nay, tránh xa ngoài vào thời điểm nắng gắt là một việc nên làm. Bạn hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều để không gặp phải các tổn thương như ửng đỏ, sạm nám, cháy nắng,...
Sử dụng thêm các biện pháp che chắn khi tiếp xúc với ánh nắng
4. Các phương pháp chữa tăng sắc tố
Sử dụng chế phẩm thoa ngoài da
Sử dụng các chế phẩm thoa ngoài da như thuốc mỡ và mỹ phẩm là cách vô cùng hiệu quả để đẩy lùi các chứng gia tăng sắc tố. Tùy thuộc vào tình trạng da và đối tượng sử dụng, các bác sĩ da liễu có thể kê đơn các sản phẩm chứa:
- Hydroquinone: Nồng độ cho phép dưới 4% và không được khuyên dùng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, có thể làm sáng thâm nám trong vòng 4 tuần nhưng nguy cơ gây tác dụng phụ khá cao.
- Retinoid: Bao gồm các dẫn xuất của vitamin A như retinol, tretinoin, adapalene, isotretinoin và tazarotene. Các chất này điều trị tăng sắc tố bằng cách làm gián đoạn quá trình tổng hợp melanin. Nhược điểm là chúng khiến da bong tróc và nhạy cảm hơn với ánh sáng, đồng thời có thể không phù hợp với một số đối tượng nhất định.
- Các hoạt chất dưỡng da: Bao gồm các chất có lợi cho làn da như niacinamide, vitamin C, glucosamine, alpha arbutin, vitamin E… Chúng giúp điều trị tăng sắc tố và cải thiện sức khỏe tổng thể của làn da nhanh chóng mà không gây ra các tác động tiêu cực như kích ứng hay dị ứng.
Trị nám bằng sản phẩm thoa ngoài da
Sử dụng phương pháp tự nhiên
Đắp mặt nạ thiên nhiên, bổ sung thực phẩm chức năng hoặc tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cũng giúp chữa tăng sắc tố khá hiệu quả. Ưu điểm chung của những phương pháp này là không gây hại cho sức khỏe cơ thể và làn da. Tuy nhiên chúng đòi hỏi khá nhiều thời gian để mang lại những thay đổi rõ rệt trên làn da.
- Đắp mặt nạ thiên nhiên: Bạn có thể tự làm các loại mặt nạ trị nám từ các nguyên liệu như chanh, nghệ, giấm táo, trứng gà, sữa chua,... Lưu ý rằng chỉ nên sử dụng mặt nạ trị nám khoảng 2 - 3 lần/tuần để không gây phản tác dụng và cần chọn đúng nguyên liệu phù hợp với cơ địa làn da.
- Bổ sung thực phẩm chức năng: Để ngăn ngừa thâm sạm, bạn nên chọn viên uống cung cấp các dưỡng chất làm tăng cường sức đề kháng của da trước ánh nắng như vitamin C, vitamin E,... Thực phẩm bổ sung collagen cũng là sự lựa chọn khá lý tưởng bởi chúng khiến da săn chắc, mịn màng và tươi sáng hơn.
- Tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ da trước tác động của tia cực tím và các gốc tự do, qua đó làm giảm các dấu hiệu tăng sắc tố và lão hóa da. Các loại thực phẩm chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa mà bạn không thể bỏ qua là việt quất, dâu tây, mâm xôi, hạt hồ đào, hoa atiso, câu kỷ tử,...
Trị nám an toàn với các nguyên liệu thiên nhiên
Sử dụng thủ thuật thẩm mỹ
Điều trị tăng sắc tố bằng thủ thuật thẩm mỹ được đông đảo chị em phụ nữ lựa chọn bởi mang lại kết quả rất nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp này thường có chi phí khá cao và đòi hỏi sự chuyên nghiệp cũng như kinh nghiệm của người thực hiện. Bên cạnh đó, nếu bạn chăm sóc da không đúng cách sau điều trị thì tình trạng tăng sắc tố có thể xuất hiện trở lại, thậm chí trầm trọng hơn.
- Thay da sinh học
Thay da sinh học là phương pháp sử dụng các dung dịch axit để lột sạch bụi bẩn, bã nhờn, tế bào chết và lớp da xỉn màu ở bề mặt tầng thượng bì. Tùy thuộc vào nơi tích tụ sắc tố melanin, các chuyên gia sẽ xác định sử dụng loại axit nào và ở nồng độ bao nhiêu.
- Mài da vi điểm
Mài da vi điểm là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu giúp tái tạo bề mặt da để cải thiện các tổn thương như nám, nếp nhăn, thâm sẹo do mụn,... Tương tự với thay da sinh học, mài da vi điểm phát huy công dụng bằng cách bào mòn lớp da chết và loại bỏ tạp chất bên trong lỗ chân lông.
- Liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao
Đối với những ai muốn cải thiện màu sắc và kết cấu da thì có thể lựa chọn liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao. Đây là phương pháp sử dụng năng lượng ánh sáng để loại bỏ các tổn thương do ánh nắng mặt trời. Cụ thể, khi chiếu ánh sáng xung cường độ cao lên vùng da mục tiêu, các tế bào có màu tại đó nóng lên và cơ thể tự động loại bỏ chúng để trả lại trạng thái khỏe mạnh cho làn da.
Trị nám bằng ánh sáng xung cường độ cao
- Laser xâm lấn hoặc không xâm lấn
Sử dụng tia laser giúp điều trị nhiều vấn đề da khác nhau, trong đó có chứng tăng sắc tố. Các tia laser hoạt động bằng cách loại bỏ lớp da trên bề mặt và làm ấm các mô bên dưới để kích thích quá trình sản xuất collagen, từ đó khiến da trở nên trắng mịn và săn chắc hơn. Lưu ý, phương pháp điều trị bằng laser không xâm lấn thường được các chuyên gia khuyên dùng hơn bởi không tác động quá nhiều đến làn da và yêu cầu thời gian phục hồi ngắn hơn.
- Phương pháp áp lạnh
Để thực hiện phương pháp lạnh, các bác sĩ sử dụng dung dịch nitơ lỏng ở nhiệt độ cực thấp lên vùng da cần điều trị tăng sắc tố. Quá trình này làm đông đặc và giết chết các tế bào tại khu vực đó, bao gồm các tế bào chứa melanin và các mô bất thường. Do đó, sau khi phục hồi hoàn toàn, da có thể được cải thiện về màu sắc, nếp nhăn và các loại sẹo.
5. Một số câu hỏi liên quan đến tăng sắc tố
- Tăng sắc tố có nguy hiểm không?
Tăng sắc tố thường không gây hại cho sức khỏe, tuy nhiên trong một số trường hợp đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư da hoặc Addison. Do đó, bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện da liễu để được chẩn đoán một cách chính xác nhất.
- Nguyên nhân chính gây ra sắc tố là gì?
Nguyên nhân chính gây tăng sắc tố là bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều mà không áp dụng các biện phấp bảo vệ. Ánh nắng chứa rất nhiều tia cực tím vốn được được biết là tác nhân gây nên các tác hại khôn lường, đặc biệt là ung thư da.
- Thực phẩm nào gây tăng sắc tố da?
Một số loại thực phẩm chứa hormone tự nhiên có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng sắc tố nếu bạn tiêu thụ chúng quá nhiều. Ví dụ như các sản phẩm từ đậu nành cung cấp hàm lượng lớn estrogen, do đó chúng có thể làm mất cân bằng nội tiết ở những đối tượng đã dư thừa loại hoạt chất này, từ đó làm tăng nguy cơ mắc nám, sạm sau viêm,...
Thực phẩm giàu estrogen có thể làm tăng sắc tố
- Tăng sắc tố có tự biến mất?
Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến làn da sản xuất quá mức melanin, tăng sắc tố có thể tự biến mất hoặc cần sự trợ giúp của các phương pháp điều trị. Ví dụ, nám do sử dụng thuốc tránh thai sẽ tự biến mất khi bạn ngưng sử dụng thuốc. Nám do lạm dụng mỹ phẩm tẩy trắng đòi hỏi bạn phải áp dụng các biện pháp phục hồi qua đường bôi hoặc đường uống.
- Uống nước có giúp điều trị chứng tăng sắc tố da không?
Uống nhiều nước không giúp bạn thoát khỏi tình trạng tăng sắc tố. Tuy nhiên, thói quen này giúp cân bằng môi trường nội môi trong cơ thể, từ đo hỗ trợ duy trì sự khỏe mạnh của làn da và ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Như vậy, tăng sắc tố có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là một vấn đề da có thể được điều trị bằng sản phẩm thoa ngoài da và thủ thuật thẩm mỹ. Điều quan trọng là bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia hoặc bác sĩ có chuyên môn để được chẩn đoán một cách chính xác. Việc này không chỉ giúp tìm ra phương án điều trị thích hợp mà còn giúp kịp thời phát hiện ra các bệnh lý về da nếu có.